Cát Tiên những "Mùa vàng"

20.12.2022 16:25150 đã xem

Từ khi vùng đất Cát Tiên được khai hoang, cây lúa đã gắn bó với người, với đất nơi này. Mùa nối tiếp mùa, bao thế hệ cư dân vùng đất Nam Lâm Đồng đã tiếp bước nhau cùng phát triển nghề trồng lúa. Và, cây lúa đã không “phụ lòng” người. Những hạt lúa chắc vàng đã giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng no đủ. Những cánh đồng trải dài tạo nên cuộc sống ngày càng phồn vinh cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Đi tìm lúa “Huyết rồng”
 
Đầu tháng 12, theo chân anh Trần Văn Tiêu, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nông nghiệp huyện Cát Tiên, về xã Phước Cát 2 để tận mắt chứng kiến những khoảnh ruộng của bà con người Nùng ở thôn Phước Trung trồng giống lúa mới là Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng. Suốt đoạn đường đi, anh cán bộ kỹ thuật chuyên về cây trồng này luôn miệng bảo: “Đất Cát Tiên chỉ thích hợp với cây lúa mà thôi. Giờ bà con đã biết kỹ thuật chăm sóc nên thu nhập từ cây lúa cũng khá hơn!”. Rồi anh lại kể cho tôi nghe những chương trình, đề tài mà anh em trong Trung tâm đã triển khai trên cây lúa ở huyện Cát Tiên; trong đó, có Đề tài “Ứng dụng phát triển sản xuất lúa Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng”, mà anh Tiêu là người trực tiếp hướng dẫn. Lúa Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng là những giống lúa có chất lượng được trồng chủ yếu ở miền Trung và miền Tây. Trong những năm gần đây, hai giống lúa này đã bắt đầu được trồng khảo nghiệm tại huyện Cát Tiên và cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
 
Ông Trần Nam Dân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, cho biết: “Đất Cát Tiên rất thích hợp với cây lúa, ngoài tìm kiếm những giống lúa mới để trồng khảo nghiệm thì huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân trồng những bộ giống đã được chọn với chất lượng và năng suất cao, kháng được sâu bệnh. Trong năm qua, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị mùa vụ và phát triển sản xuất nên sản lượng lúa giống và gạo được đóng bao bì mang thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên đều vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết của Huyện ủy đề ra”.
Trong ánh nắng chiều, những khoảnh ruộng trồng lúa Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng càng thêm vàng óng. Do thời gian sinh trưởng của cả hai giống lúa này dài hơn các giống bình thường nên trên cánh đồng của Tổ hợp tác sản xuất lúa thôn Phước Trung chỉ còn sót lại vài khoảnh trồng lúa Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng. Trên mảnh ruộng cắm chi chít những hình nhân, một bà cụ đi quanh ruộng lúa vừa xua đuổi chim vừa phân trần: “Còn một vài ngày nữa thôi là gặt được rồi. Thu hoạch muộn nên chim tụ về đây ăn lúa. Lúa ngon mà để chim ăn thì uổng phí lắm!”. Ở ruộng kế bên, những phụ nữ dân tộc Nùng cũng đang tất bật thu hoạch từng cành Nếp cái hoa vàng trĩu hạt. Không như lúa thường, Nếp cái hoa vàng được gặt tỉ mẩn bằng cách cắt từng cành để tránh bị lẫn tạp. Dưới cái nắng oi ả, mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt những người phụ nữ luôn khấp khởi nụ cười. Họ cười vì lần đầu tiên gặt lúa mà được chụp hình, cười vì vụ mùa thử nghiệm đã thành công như mong đợi. Chị Nông Thị Sanh (dân tộc Nùng), chủ nhân của mảnh ruộng Nếp cái hoa vàng, chia sẻ: “Người ta đã đến hỏi mua chín ngàn rưỡi một ký rồi nhưng mình chưa chịu bán. Tính kèo nài thêm một giá nữa thì sẽ bán. Trước đây, người dân trong thôn trồng ít, chủ yếu để ăn và biếu cho bà con. Nay trồng nhiều, công chăm sóc lại cực quá. Nếu bán được ổn định thì trồng lúa nếp này vẫn có lợi hơn nhiều”. 

Suốt chặng đường gần 20 km, từ trung tâm huyện Cát Tiên lên thôn Phước Trung, xã Phước Cát 2, tôi cứ thắc mắc với anh Tiêu, có phải lúa Huyết rồng làm ra “gạo Lứt” mà mọi người vẫn thường ăn để trị bệnh? Anh nói: “Mình cứ mua giống về trồng, trồng được rồi lại lấy lúa đó làm giống, đã dám ăn bao giờ đâu mà biết. Mùa này nhất định phải ăn thử mới được”. Ngay cả chủ nhân của mảnh ruộng trồng lúa Huyết rồng tại thôn Phước Trung, ông Tô Xuân Đài, cũng chưa biết mùi vị của loại gạo này như thế nào: “Nghe nói gạo Huyết rồng thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng nên mình trồng. Giờ còn khoảng 2 tuần nữa là thu hoạch được rồi, lúc đó có ăn thử cũng chưa muộn”. 
 
Lúa Huyết rồng có thời gian sinh trưởng từ 120 đến 180 ngày (gần gấp đôi lúa thường). Tuy nhiên, theo anh Trần Văn Tiêu, giống lúa này “phản ứng” với ánh sáng của những ngày ngắn (đêm dài hơn ngày), nên nếu gieo cấy đúng thời điểm thì thời gian sinh trưởng sẽ rút ngắn lại. Tại ruộng trồng khảo nghiệm, anh đã hướng dẫn bà con nông dân xuống giống từ ngày 30/8 đến ngày 2/9 nên thời gian sinh trưởng của lúa Huyết rồng đã rút xuống còn 98 ngày. Do có nguồn gốc từ lúa hoang, lúa Huyết rồng có sức sống bền bỉ, lấn át cả cỏ dại; thân vươn cao hơn nửa mét, nên việc sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu được giảm tối đa. Đây được xem là sản phẩm nông nghiệp “sạch”.  Trước đây, thời điểm 2009 - 2010, lúa Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng đã được một số nông dân tại xã Gia Viễn (Cát Tiên) trồng thử nghiệm với diện tích không lớn. Kết quả thu được cho thấy năng suất và chất lượng không thua kém các vùng chuyên trồng 2 loại lúa này. Do đó, Trung tâm Nông nghiệp huyện Cát Tiên đã cho lưu giống để triển khai cho những vụ mùa sau này. Ông Võ Trung Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Cát Tiên, cho biết: “Nhận thấy lúa Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng là những giống lúa đặc sản nên lãnh đạo huyện muốn trồng thử nghiệm và phát triển về sau. Sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã xây dựng và được phê duyệt, triển khai Đề tài khoa học công nghệ “Ứng dụng phát triển sản xuất lúa Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng”. Với kinh phí 100 triệu đồng, Trung tâm đã trồng khảo nghiệm 3,3 ha Nếp cái hoa vàng và 0,2 ha lúa Huyết rồng tại thôn Phước Trung. Đây là cơ sở để đánh giá và hoàn thiện quy trình sản xuất 2 giống lúa này, góp phần tạo thêm nhiều đặc sản cho thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên trong thời gian tới”. 
 
Trăn trở “lúa - gạo Cát Tiên”
Theo một số tài liệu, gạo Huyết rồng không phải là gạo Lứt (gạo dành cho người ăn kiêng). Gạo Huyết rồng màu nâu đỏ nhạt, không đậm như gạo Lứt. Bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong. Gạo nấu cơm thơm ngậy. Cơm từ gạo Huyết rồng càng nhai càng có vị ngọt và béo, bùi. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất đạm, vitamin B1, chất xơ tiêu hóa và chất sắt. Gạo Huyết rồng rất giàu dinh dưỡng, rất tốt cho trẻ em nên thường dùng để làm bột.
Trong khi những khoảnh ruộng lúa Huyết rồng và Nếp cái hoa vàng ở xã Phước Cát 2 đang thu hoạch, thì các ngành chức năng của huyện cũng song song tiến hành kiểm tra để chuẩn bị gắn “mác” thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên cho Hợp tác xã sản xuất lúa giống Trung Thành (ở xã Gia Viễn). Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên đến nay, chưa có tổ chức nào trên địa bàn huyện được cấp giấy chứng nhận thương hiệu này. Hàng năm, các đơn vị sản xuất lúa giống hoặc xay xát gạo xong đều phải chờ ngành chức năng của huyện kiểm tra và cho phép đóng bao bì mang thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên. Nếu Hợp tác xã Trung Thành đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận sẽ là tiền đề để các hợp tác xã và tổ sản xuất khác phấn đấu. Ông Tô Xuân Đài, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa thôn Phước Trung (xã Phước Cát 2) cho biết: “Tổ hợp tác hiện có hơn 50 tổ viên của 2 thôn Hòa Trung và Hòa Sơn tham gia với diện tích 40 ha. Việc tham gia Tổ hợp tác và sản xuất đồng trà, đồng vụ theo Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã giúp hiệu quả kinh tế của bà con nông dân nâng lên rõ rệt. Bà con đã có ý thức sản xuất lúa, gạo theo hướng VietGAP nên chất lượng và độ an toàn cũng được nâng cao. Nếu được chứng nhận thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên thì giá trị sản phẩm của bà con làm ra sẽ cao hơn, thu nhập vì thế cũng được nâng thêm”. 

Huyện Cát Tiên đã triển khai sản xuất 500 ha lúa theo mô hình Cánh đồng mẫu lớn trong năm 2013. Hiệu quả của mô hình này đã khiến bà con nông dân rất phấn khởi và đăng kí tham gia nhiều hơn. Dự kiến trong năm tới, diện tích của Cánh đồng mẫu lớn sẽ được tăng lên 550 ha. Tại các xã trên địa bàn huyện đều có diện tích lúa sản xuất theo mô hình Cánh đồng mẫu lớn. Khi tham gia mô hình này, nông dân phải sạ đồng trà, đồng giống và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng cách. Sản xuất theo mô hình này giúp hạn chế sâu bệnh và thuận tiện hơn trong khâu thu hoạch. 
 
Ngoài thế mạnh về cây lúa, huyện Cát Tiên còn có một số lợi thế so sánh khác, như phát triển cây diệp hạ châu, nuôi cá Lăng và khai thác một số tiềm năng du lịch từ Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, Di tích lịch sử chiến khu VI và các thắng cảnh như Hang Thoát Y, thác ghềnh trên sông Đồng Nai… Trong một lần trò chuyện với phóng viên, đồng chí Huỳnh Văn Đẩu, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, khẳng định: Phát triển được du lịch, thu hút được du khách đến với huyện Cát Tiên, thì các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của huyện sẽ được quảng bá và tiêu thụ tốt hơn. Khi đó, người nông dân mới phát triển được kinh tế gia đình. Định hướng là thế, trăn trở là vậy, nhưng để những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, nhất là lúa, gạo mang thương hiệu Cát Tiên được tiếp cận với thị trường ngày càng rộng, thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian khá dài.


NGUYỄN HỮU SANG

Tin tức khác