Bảo tồn buôn làng truyền thống tiêu biểu

20.12.2022 16:30118 đã xem

Thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng vừa đầu tư 20,64 tỷ đồng hỗ trợ bảo tồn 2 buôn làng truyền thống tiêu biểu tại Lạc Dương và Di Linh từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

 

  Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Đ.T
Phục dựng, tái hiện làng truyền thống của đồng bào Mạ tại Ngày hội dân tộc Mạ và S’tiêng huyện Cát Tiên lần thứ I - năm 2019

 

Cụ thể, Sở sẽ tiến hành xây dựng công trình bảo tồn buôn làng truyền thống của dân tộc K’Ho tại thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh và tại thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương nhằm bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, hỗ trợ phát triển du lịch. Đến nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (chủ đầu tư dự án) đang tiến hành lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực quản lý dự án, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán xây dựng, thi công công trình... để triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

 

Lâm Đồng là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu, M’nông, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Muốn bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc một cách bền vững và hiệu quả thì phải dựa vào cộng đồng và thực hiện trong không gian văn hóa truyền thống cộng đồng, tức là ngay trên buôn làng của mỗi DTTS. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế cùng sự phát triển của cuộc sống hiện đại, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước sự hòa tan, mai một là vô cùng quan trọng và cũng là thách thức lớn. Việc hỗ trợ bảo tồn buôn làng truyền thống tiêu biểu là mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS một cách phù hợp, có hiệu quả sẽ góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực bởi những yếu tố văn hóa ngoại lai, bảo lưu yếu tố văn hóa truyền thống, gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể trước nguy cơ bị mai một.

 

Chọn hai buôn làng Klong Trao 1 (xã Gung Ré, Di Linh) và Đưng K’si (xã Đạ Chais, Lạc Dương) để thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng buôn làng truyền thống tiêu biểu vì đây là nơi sinh sống thuần nhất của người K’Ho, các buôn làng còn giữ được nguyên vẹn nếp ăn ở, nhiều phong tục, tập quán truyền thống. Bên cạnh việc xây dựng công trình kiến trúc nhà sàn cộng đồng, dự án tập trung vào những công việc cụ thể như: bảo tồn môi trường cảnh quan cùng kiến trúc nhà ở, gìn giữ truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hóa ăn mặc, tiếng nói, chữ viết và các loại hình văn hóa dân gian, lễ hội, phong tục, tập quán, phát triển các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, bảo tồn di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ... nâng cao đời sống văn hóa của một làng người K’Ho gốc. 

 

Bên cạnh đó, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, người có công trong việc lưu giữ, truyền dạy, bảo tồn những giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của đồng bào các DTTS. Tổ chức lễ hội truyền thống, hạn chế tối đa sự đồng hóa về văn hóa giữa cộng đồng cư dân trong buôn làng với các dân tộc xung quanh; đồng đẩy mạnh việc giao lưu văn hóa với các dân tộc khác để tăng tính thích ứng, hòa nhập và khẳng định bản sắc văn hóa. Xây dựng môi trường sống nhằm bảo đảm không gian văn hóa của người K’Ho, đó là rừng, sông, suối, ruộng, nương rẫy - những không gian gắn bó chặt chẽ với đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng. Qua đó tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi những tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng DTTS. 

 

Việc hỗ trợ bảo tồn buôn làng truyền thống tiêu biểu sẽ xây dựng các buôn làng K’Ho nguyên gốc, đưa buôn làng Klong Trao 1 của người K’Ho Srê và buôn làng Đưng K’si của người K’Ho Cil trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Du khách đến đây được hòa mình vào cuộc sống của người dân, được thưởng thức cảnh quan sinh thái trong lành, đắm mình trong nhịp điệu cồng chiêng, vũ điệu xoang, tiếng trống da trâu, khèn bầu, các phong tục, tập quán sinh hoạt của cộng đồng, các lễ hội truyền thống, các món ẩm thực truyền thống mang đậm phong vị núi rừng... Từ các buôn làng truyền thống tiêu biểu, đồng bào sẽ nhận thấy rõ ràng hơn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó có ý thức bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại, tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống ngay trên mảnh đất mình đang sống.

 

Việc triển khai Dự án Bảo tồn buôn làng truyền thống tiêu biểu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã đưa công tác bảo tồn văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, bền vững, đưa văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển đối với vùng đồng bào DTTS, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, thống nhất trong đa dạng.

Tin tức khác