NUÔI BÒ SỮA SẼ ĐEM LẠI LỢI NHUẬN CAO HƠN SO VỚI NUÔI BÒ THỊT, BÒ SINH SẢN

21.12.2022 08:02100 đã xem

                Với nguồn đất đai rộng lớn nên huyện Cát Tiên có điều kiện thuận lợi cho trồng cỏ; cùng với đó là nguồn thức ăn dồi dào từ các phụ phẩm nông nghiệp như cây ngô, rơm, rạ, cám gạo… chính là những điều kiện thuận lợi giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, từ đó đã có nhiều gia đình giảm nghèo bền vững và ổn định cuộc sống. Nên toàn huyện hiện có tổng đàn bò gần 9.700 con và là địa phương có số lượng đàn bò nhiều thứ 3 toàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá bò thương phẩm giảm, không ổn định nên lợi nhuận từ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản đã giảm đáng kể và bấp bênh, không ổn định. Tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, nhận thấy nhu cầu thị trường sữa tươi đang rất lớn, rất ổn định và từ thực tế các nông hộ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh đã có thu nhập ổn định, bền vững với hiệu quả cao từ nuôi bò sữa, nên UBND huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện UBND huyện đang đẩy nhanh các bước để đưa bò sữa về cho bà con nuôi.

Các hộ dân trên địa bàn huyện đi tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao

Các hộ dân trên địa bàn huyện đi tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao

            Để triển khai Đề án, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân đầu tư vốn, các nguồn lực để tham gia, UBND huyện đã và đang huy động, tập trung các nguồn lực nhằm hỗ trợ người dân về giống bò sữa, hỗ trợ mua vật tư thiết yếu phục vụ chăn nuôi và khai thác sữa. Trong đó về hỗ trợ mua bò giống, Nhà nước hỗ trợ vốn từ 12 đến 15%; nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ vay vốn từ 18 - 20%; doanh nghiệp hỗ trợ vốn trả góp là 50% (Khi bò cho thu nhập sữa thì doanh nghiệp khấu trừ dần vào giá sữa trong thời gian tối đa 2 năm); còn lại là kinh phí của hộ chăn nuôi chỉ từ 15 - 18%. Ví dụ trong năm 2022 này, một hộ nuôi 05 con bò sữa dự kiến chi phí con giống khoảng 350 triệu đồng (70 triệu đồng/con bò sữa giống), thì Doanh nghiệp hỗ trợ trả góp là 175 triệu đồng; Nhà nước hỗ trợ hỗ trợ không hoàn lại 15% tương đương với mức hỗ trợ là 52,5 triệu đồng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay là 20%, tương đương 70 triệu đồng; còn lại hộ chăn nuôi bỏ vốn mua con giống chỉ là 52,5 triệu đồng.

           Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ hộ chăn nuôi tối đa không quá 50% kinh phí mua trang thiết bị, vật tư thiết yếu phục vụ cho chăn nuôi, cho quá trình vắt sữa; hỗ trợ 100% nguồn tinh chọn lọc giới tính cao sản để truyền tinh nhân tạo. Đồng thời, hộ dân chăn nuôi bò sữa sẽ được cán bộ kỹ thuật của huyện và doanh nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ khi chuẩn bị chăn nuôi đến chăn nuôi và khai thác sữa.

           Theo dữ liệu từ Cục Chăn nuôi và từ thực tế chăn nuôi bò sữa của các hộ dân trong tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương khác ở các tỉnh, thành khác thì hiệu quả kinh tế mang lại từ chăn nuôi Bò sữa là khá cao và ổn định, đạt từ 45 - 50% tổng doanh thu. Cụ thể, theo tính toán sơ bộ 01 con bò sữa trong 01 năm cho khai thác sữa khoảng 300 ngày với sản lượng sữa bình quân 1 ngày khoảng 20 lít; giá sữa bình quân 14.000 đồng/lít; doanh thu đạt khoảng 280.000 đồng/ngày, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt khoảng 140.000 đồng/con/ngày. Như vậy, trong 01 năm, sau khi trừ chi phí thì 01 con bò khai thác sữa cho lợi nhuận là 42 triệu đồng; ngoài ra còn có nguồn thu nhập từ bê con sinh ra. Như vậy, tổng lợi nhuận từ nuôi 01 con bò sữa đạt khoảng 50 triệu đồng/năm.

             So với chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản thì lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa đạt cao hơn từ 150 - 180%. Đồng thời, hiện nhu cầu thị trường sữa tươi đang rất lớn, rất ổn định, cung không đủ cầu và với những tiềm năng, lợi thế về nguồn đất đai rộng lớn, thuận lợi cho trồng cỏ, trồng cây ngô sinh khối và nguồn nguyên liệu dồi dào từ trồng lúa như rơm, rạ, cám gạo…sẽ là những điều kiện thuận lợi giúp người dân giảm chi phí đầu vào khi tiến hành nuôi bò sữa, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn huyện tích cực, mạnh dạn đầu tư vốn, nguồn lực tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm nâng cao nhu nhập, làm giàu trên chính quê hương.

                                                                             Mai Lan 

Tin tức khác