NUÔI BÒ SỮA - CƠ HỘI TỐT GIÚP NÔNG DÂN TRONG HUYỆN NÂNG CAO THU NHẬP, VƯƠN LÊN LÀM GIÀU

21.12.2022 08:05161 đã xem

Nhận thấy nhu cầu thị trường sữa tươi đang rất lớn, rất ổn định và từ thực tế các nông hộ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh đã có thu nhập ổn định, bền vững với hiệu quả cao từ nuôi bò sữa. Đồng thời với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện phù hợp, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò sữa, nhất là nguồn nguyên liệu dồi dào từ sản xuất nông nghiệp sẽ giúp giảm chi phí đầu vào nên việc chăn nuôi bò sữa hứa hẹn sẽ là cơ hội tốt để người dân trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Channuoibosua92022.png

Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị trong huyện tư vấn, hỗ trợ người dân xây dựng, thiết kế chuồng nuôi bò sữa

Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị trong huyện tư vấn, hỗ trợ người dân xây dựng, thiết kế chuồng nuôi bò sữa

          Là một huyện thuần nông với thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất, chăn nuôi, vì vậy làm sao để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con từ sản xuất nông nghiệp luôn là trăn trở của các cấp, các ngành trong huyện. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

           Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện đạt trên 2.700 con, trong đó tăng cơ học là 1.200 con và tăng tự nhiên là 1.500 con. Bò khai thác sữa khoảng 1.500 con, sản lượng sữa bình quân trong chu kỳ khai thác sữa đạt khoảng 30 tấn/ ngày, tổng doanh thu ước tính khoảng 420 triệu đồng/ngày, tương đương 280 nghìn/ngày/con và lợi nhuận bình quân khoảng 140 nghìn đồng/ngày/con. Cũng đến năm 2025 thành lập được 01 hợp tác xã chăn nuôi bò sữa và có ít nhất 02 trạm thu mua, chế biến sữa trên địa bàn huyện. Đề án cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, quy mô tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện ước đạt khoảng 8.000 - 10.000 con. Trong đó, có khoảng 4.000- 5.000 bò tơ thay thế và 4.000 - 5.000 con cho khai thác sữa… 

          Để đạt được mục tiêu đề ra, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân đầu tư vốn, các nguồn lực để tham gia, huyện Cát Tiên đã và đang huy động, tập trung các nguồn lực hỗ trợ người dân về giống bò sữa, vật tư thiết yếu phục vụ chăn nuôi và khai thác sữa. Trong đó về hỗ trợ mua bò giống, Nhà nước hỗ trợ từ 12 đến 15%; nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ vay vốn từ 18 - 20%; doanh nghiệp hỗ trợ vốn trả góp là 50% (Khi bò cho thu nhập sữa thì doanh nghiệp khấu trừ dần vào giá sữa trong thời gian tối đa 2 năm); còn lại là kinh phí của hộ chăn nuôi từ 15 - 18%. Ngân sách Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí mua trang thiết bị, vật tư thiết yếu phục vụ cho chăn nuôi, cho quá trình vắt sữa.

          Đồng thời, UBND huyện cũng sẽ xây dựng mô hình trang trại bò sữa mẫu tại huyện để người dân tham quan, học tập, từ đó mở rộng, phát triển chăn nuôi bò sữa. Thành lập hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, tạo điều kiện, cơ chế để hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sữa bò với mức giá cạnh tranh đảm bảo 2 bên cùng có lợi. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò sữa chất lượng cao và phòng bệnh cho đàn bò đến người chăn nuôi và đội ngũ khuyến nông, thú y trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở vật chất trong quá trình chăn nuôi nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế… và một số giải pháp khác.

          Từ thực tế đã có rất nhiều nông dân ở một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự như huyện Cát Tiên đã thành công và làm giàu từ mô hình chăn nuôi bò sữa. Đồng thời với nguồn đất đai rộng lớn nên huyện Cát Tiên có điều kiện thuận lợi cho trồng cỏ, trồng cây ngô sinh khối và nguồn nguyên liệu dồi dào từ trồng lúa như rơm, rạ, cám gạo… sẽ là những điều kiện thuận lợi giúp người dân giảm chi phí đầu vào khi tiến hành nuôi bò sữa, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế.

            Để việc chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện phát triển bền vững, ổn định, huyện Cát Tiên đã liên kết với Công ty cổ phần sữa Đà Lạt để hợp tác phát triển ngành chăn nuôi bò sữa chất lượng cao. Về phía Công ty cũng khẳng định điều kiện thời tiết, khí hậu của huyện Cát Tiên phù hợp, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò sữa. Công ty Cổ phần sữa Đà lạt cũng sẽ đồng hành với bà con chăn nuôi trong huyện theo hướng cầm tay chỉ việc và xuống trực tiếp từng hộ gia đình để tư vấn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng công nghệ cao cũng như các điều kiện cần thiết khác. Đồng thời, sẽ đảm bảo thu mua 100% sữa tươi của bà con tại địa phương với giá cạnh tranh, đảm bảo người dân và doanh nghiệp cùng có lợi. 

           Để triển khai Đề án, trong thời gia qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên  quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, tổ chức, cá nhân về các nội dung của Đề án. Đã tổ chức cho người dân đi thăm quan thực tế các mô hình chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương, huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) để học tập kinh nghiệm chăn nuôi. Cũng đã tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với bà con nông dân nhằm lắng nghe tâm tư, tình cảm cũng như những băn khoăn, thắc mắc của bà con liên quan đến chăn nuôi bò sữa. Đồng thời tổ chức cho các hộ đăng ký tham gia nuôi với số lượng đã đăng ký trong đợt 1 là hơn 100 con/10 hộ và 01 hợp tác xã tham gia… Hiện UBND huyện đang phối hợp với Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt xúc tiến, đẩy nhanh các bước để đưa bò về cho bà con nhân dân nuôi, dự kiến là khoảng nữa cuối tháng 10/2022. Từ chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi đến tư vấn, hỗ trợ bà con xây dựng chuồng trại phù hợp, chuẩn bị một số công cụ, dụng cụ và các điều kiện cần thiết khác, đặc biệt là hỗ trợ người dân tìm mua con giống tốt để nuôi. Bởi trong chăn nuôi, con giống đóng vai trò quan trọng quyết định đến sản lượng, chất lượng sữa sau này.

          Nhằm hạn chế rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, kịp thời khắc phục thiệt hại nếu có xảy ra rủi ro trong quá trình chăn nuôi, từ đó để việc chăn nuôi bò sữa phát triển tốt nhất, đem lại hiệu quả cao nhất cho người nông dân, UBND huyện cũng đã, đang làm các thủ tục để đề xuất triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho đàn bò sữa tại địa phương.

Bà con nông dân đăng ký tham gia nuôi bò sữa đợt 1 trong huyện cũng đã trồng, chăm sóc những diện tích cỏ phát triển xanh tốt để sẵn sàng cho nuôi bò sữa

Bà con nông dân đăng ký tham gia nuôi bò sữa đợt 1 trong huyện cũng đã trồng, chăm sóc những diện tích cỏ phát triển xanh tốt để sẵn sàng cho nuôi bò sữa

             Theo dữ liệu từ Cục Chăn nuôi và từ thực tế chăn nuôi bò sữa của các hộ dân trong tỉnh Lâm Đồng thì lợi nhuận từ nuôi 01 con bò vắt sữa/1 năm đạt từ 45 - 50% tổng doanh thu. Cụ thể, nuôi 01 con bò sữa/ 01 năm với doanh thu từ sữa và bê con đạt trung bình khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt trung bình khoảng từ 45 - 50 triệu đồng/1 con bò sữa/năm. Như vậy, lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa cao hơn so với nuôi bò thịt từ 150 - 180%. Đồng thời, hiện nhu cầu thị trường sữa tươi đang rất lớn, rất ổn định, lượng sữa tươi bà con nông dân trong nước cung cấp ra thị trường mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu... Nên ngành chăn nuôi bò sữa hứa hẹn sẽ là một ngành kinh tế đem đến nhiều cơ hội tốt, ổn định cho người dân trong cả nước nói chung và người dân trên địa bàn huyện Cát Tiên nói riêng nâng cao thu nhập và làm giàu. Vì vậy, bà con nông dân, các tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện mạnh dạn, tích cực đầu tư vốn tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa qua đó nhằm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

                                                                             Mai Lan    

Tin tức khác