Điều kiện tự nhiên

26.10.2022 08:51104 đã xem

Cát Tiên là huyện kinh tế mới được thành lập cuối năm 1986, nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng, có độ cao từ 300 – 400m so với mực nước biển. Phía Đông giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Phía Tây giáp huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Phía Nam giáp huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Phía Bắc giáp huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.

Trung tâm huyện lỵ cách thành phố Đà Lạt khoảng 200km và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 190km, là huyện vùng sâu, vùng xa của Tỉnh nên còn hạn chế trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa với nhiều khu vực trong và ngoài tỉnh.

Địa hình huyện Cát Tiên chủ yếu là dạng địa hình đồi núi thấp chuyển tiếp từ vùng cao Nam Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Đông Nam bộ, theo chiều thấp dần từ phía Đông Bắc và Bắc xuống phía Nam và Tây Nam. Do đó, địa hình huyện chia thành 2 vùng rõ rệt: phía Đông, Đông Bắc và Bắc của huyện là đồi núi, xen kẽ là những thung lũng là đồng bằng nhỏ và hẹp. Phía Nam là đồng bằng ô trũng, do phù sa sông Đồng Nai bồi đắp, nhiều nơi có địa hình lòng chảo nên trước đây khu vực này thường xuyên bị ngập úng.

Địa hình đồi núi cũng tạo ra nhiều hồ, đập thủy lợi nên được con người cải tạo, lưu giữ khối lượng nước khá lớn đáp ứng nhu cầu trong đời sống và sản xuất. Đồng thời thiên nhiên, cũng tạo ra một số cảnh quan đẹp như hang động Thoát Y xã Phước Cát 2, Thác Cổng trời xã Đồng Nai Thượng… có giá trị phục vụ du lịch.

Về thổ nhưỡng, Cát Tiên có 3 nhóm đất chính: Đất phù sa, đất đỏ vàng và đất dốc tụ. Đất phù sa trên địa hình bằng thấp ở phía Nam huyện, hình thành các cánh đồng dọc sông Đồng Nai và ven các dòng suối, phù hợp cho việc trồng lúa nước, phía Bắc huyện địa hình dạng bình nguyên sơn địa phù hợp với việc phát triển các loại cây công nghiệp.

Cát Tiên nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, vùng tiếp giáp giữa nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chịu sự tác động giữa vùng sinh thái của miền Đông Nam Bộ và rừng núi Nam Tây Nguyên. Trong năm, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 85 - 90% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 10 - 15% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 2 và 3. Do đó, sự chênh lệch nhiệt độ trong năm khá cao: lúc cao nhất 32 - 330C, lúc thấp nhất là 17 - 180C. Toàn huyện nằm ở sườn đón gió Tây Nam nên có tổng lượng mưa phong phú từ 2.800mm – 3.000mm/năm; có những ngày lượng mưa trên 150mm. Lượng mưa phân bố không đều, chủ yếu tập trung mùa mưa, do đó, thường xuyên bị lũ lụt, lũ quét gây ngập úng trên diện rộng.

Cát Tiên nằm trong vùng có lượng nắng khá dồi dào, tổng số giờ nắng trong năm của huyện từ 2.400 - 2.500 giờ. Trong đó, số giờ nắng bình quân trong ngày từ 6,2 - 6,6 giờ, thời gian nắng nhiều nhất là tháng 1, 2, 3 và tháng 4, thời gian nắng ít nhất là tháng 7, 8 và 9. Nhiệt độ bình quân trong năm cao đều và ổn định khoảng 29oc. Nhìn chung sự thay đổi nhiệt độ qua các tháng không lớn, song chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thì khá lớn, khoảng 7 đến 10oc nhất là vào các tháng mùa khô. Nhiệt độ cao nhất vào các tháng 3, 4, 5 (từ 37 - 38,2­­­­ oc) và thấp nhất vào tháng 12 khoảng 19 oc. Lượng bức xạ phong phú, nền nhiệt cao là điều kiện thuận lợi giúp cây trồng phát triển, cây ăn quả và cây lương thực ngắn ngày quay vòng nhanh, góp phần tạo nên tính đa dạng sinh học.

Hệ thống sông suối Cát Tiên khá dày, mật độ dòng chảy 0,9-1,2km, tổng chiều dài sông suối trên địa bàn khoảng 300km. Trong đó, sông Đồng Nai chảy quanh, và bao bọc huyện từ 3 phía - Bắc, Tây và Nam, có chiều dài khoảng 80 km, có lưu vực rộng lớn, lưu lượng dòng chảy cao đều trong cả năm. Các phụ lưu là những suối ngắn, ít được phát huy cho sản xuất nông nghiệp. Vào mùa mưa, nước từ vùng đầu nguồn cùng với việc xả lũ của các hồ thủy điện, làm nước sông Đồng Nai dâng cao, tràn vào các vùng trũng trong huyện, cộng với nước nội đồng bị đường Tỉnh lộ 721 ngăn việc thoát nước từ nội đồng ra, dẫn đến tình trạng úng lũ đột ngột dâng cao trên diện rộng. Đặc biệt là các cơn lũ lịch sử tháng 7/1999, trung tuần tháng 10/2000, tháng 10/2001… đã làm ngập khoảng 80% diện tích đất gieo trồng toàn huyện làm thiệt hại tài sản nhân dân địa phương và Nhà nước khoảng 150 tỷ đồng.

Huyện Cát Tiên có tổng diện tích tự nhiên là 42.693 ha, trong đó có: 26.634 ha đất lâm nghiệp, chiếm 62,38% diện tích toàn huyện, nhất là rừng đặc dụng do Vườn Quốc gia quản lý là 21.295 ha. Toàn huyện có khoảng 13.245 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó đất đã sử dụng cho sản xuất đạt gần 9.000 ha. Do vậy, Cát Tiên có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ môi trường rừng và chăm sóc, bảo vệ tài nguyên rừng trên diện tích hiện có kết hợp với phát triển kinh tế vườn đồi đang được đẩy mạnh.

Về hệ sinh thái ở vùng Cát Tiên, qua khảo sát, đánh giá của Tổ chức động vật hoang dã thế giới và Hội sinh vật Việt Nam xác nhận có đến 544 loài thực vật, 44 loài thú, gần 200 loài chim. Đặc biệt trước đây có loài Tê giác 1 sừng quý hiếm thuộc phân hệ Tê giác Đông Dương sinh sống.

Về tên gọi địa danh Cát Tiên, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, tên gọi địa danh Cát Tiên xuất phát từ tên gọi “bãi Cát Tiên” - bãi cát nơi các cô Tiên tắm trong truyền thuyết của người Mạ. Có ý kiến lại cho rằng, tên gọi Cát Tiên xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ do các đơn vị bộ đội đặt và trở thành tên gọi của huyện sau này. Cho đến nay, tên gọi và địa danh Cát Tiên đã đi sâu vào tiềm thức về tình cảm của các thế hệ đã và đang sinh sống trên quê hương đầy thân thương này.

Với những kết quả nghiên cứu của Khảo cổ học đã chứng minh: ngay từ rất sớm Cát Tiên đã là nơi từng chứng kiến những dấu tích của quá trình sinh sống của con người trên khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, là vùng đất có bề dày Lịch sử và văn hóa lâu đời. Những hiện vật khảo cổ học như đồ đá cũ, đồ đá mới, đồ gốm, đồ kim khí… được phát hiện, khai quật và nghiên cứu ở Di chỉ Phù Mỹ đã cho thấy bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời của vùng đất này. Đặc biệt, năm 1985, di tích Cát Tiên được phát hiện, đây là quần thể di tích rộng lớn được phân bổ trải dài khoảng 15 km từ xã Quảng Ngãi đến các xã khác ở Cát Tiên. Ngày 22/12/1994, Bộ Văn hóa - Thông tin chính thức ký quyết định cho phép khai quật. Đến năm 2000, qua 8 lần khai quật, đã có 1.140 hiện vật các loại được phát hiện với nhiều chất liệu khác nhau như kim loại vàng, bạc, thiếc, đồng, sắt, đá, đá quý, gốm nung, những đền tháp, mộ tháp uy nghiêm… càng làm cho vùng đất Cát Tiên trở nên huyền thoại và cổ tích. Các hình tượng, tượng đá, các đường nét kiến trúc, các họa tiết, hoa văn ở di tích Cát Tiên là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về sự hình thành nhà nước Cổ đại ở phía Nam Việt Nam và nhà nước Cổ Đại ở Đông Nam Á. Chúng là nguồn tư liệu để có thể khôi phục lại giai đoạn Lịch sử không thành văn mà Cát Tiên là trung tâm chính trị, tôn giáo của một quốc gia đã từng tồn tại trong Lịch sử. Ngoài 113 mảnh lá vàng mỏng, trên đó điêu khắc những hình tượng liên quan đến Bà la môn giáo, còn tìm thấy nhiều hoa văn và chữ viết trên các miếng vàng vô cùng thú vị và hấp dẫn, nhất là bộ Linga - Yoni lớn nhất Đồng Nam Á. Tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo phục chế khu di tích Cát Tiên như thế nào còn tùy thuộc vào kết luận xác đáng hơn của các nhà khoa học và khả năng của ngành chức năng để khẳng định chủ nhân của vùng này là ai? có từ thế kỷ nào? thuộc dòng văn hóa nào?... vấn đề này cần được các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Ngày 29/9/1997, Bộ Văn hóa - Thông tin có quyết định công nhận và xếp hạng cấp quốc gia cho Di tích khảo cổ Cát Tiên. Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2408/QĐ-TTg công nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích Cát Tiên.

Trên cơ sở những kết luận bước đầu của các nhà khoa học, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã bảo vệ, tôn tạo khu vực có di tích ở Cát Tiên thành một khu di tích tương xứng với quy mô của nó để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, văn hóa - nghệ thuật, lịch sử và tâm linh.

Trải qua những biến thiên của lịch sử tự nhiên, đến những năm đầu thế kỷ XX, Cát Tiên vẫn là vùng đất hoang vu, rừng rậm, sình lầy. Theo bản đồ không ảnh của Pháp lập năm 1936, cho thấy vùng Cát Tiên ngày nay là vùng đất “đầm lầy á nhiệt đới, chưa biết đến”, hầu hết là rừng nguyên sinh trên nền đất thấp.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa bàn huyện Cát Tiên trải qua một số lần sáp nhập và chia tách, có thời điểm là khu vực thuộc tỉnh Phước Long; có thời kỳ thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng quản lý. Là vùng căn cứ của Khu ủy Khu 6, Khu 10, Tỉnh ủy Lâm Đồng, là địa bàn có đường hành lang nối tiếp đường mòn Hồ Chí Minh từ Đắk Lắk qua Cát Tiên, Phước Long để về Trung ương cục Miền Nam.

Ngày 06/6/1986, theo Quyết định số 68/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) huyện Cát Tiên được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Đạ Huoai cũ thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Ngày 01/01/1987 huyện Cát Tiên chính thức đi vào hoạt động; có 10 xã và 1 thị trấn.

Ngày 31 tháng 12 năm 2002, xã Đồng Nai Thượng được thành lập trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của xã Tiên Hoàng.

Ngày 29 tháng 12 năm 2013, sáp nhập xã Phù Mỹ vào thị trấn Đồng Nai và đổi tên thị trấn Đồng Nai thành thị trấn Cát Tiên; ngày 12 tháng 4 năm 2018, thị trấn Phước Cát được thành lập trên cơ sở xã Phước Cát 1; ngày 17 tháng 12 năm 2019 xã Tư Nghĩa sáp nhập vào xã Quảng Ngãi và xã Mỹ Lâm sáp nhập vào xã Nam Ninh. Sau khi điều chỉnh, huyện Cát Tiên có 2 thị trấn và 7 xã, gồm: thị trấn Cát Tiên, thị trấn Phước Cát và các xã: Gia Viễn, Quảng Ngãi, Đức Phổ, Nam Ninh, Phước Cát 2, Tiên Hoàng, Đồng Nai Thượng.

Trên địa bàn huyện có Tỉnh lộ 721 chạy qua, nối từ Quốc lộ 20 thuộc huyện Đạ Huoai, qua huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên. Ngày 04/8/2006, cây cầu treo bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Phước Cát 1 (nay là thị trấn Phước Cát) và đến đầu năm 2021 cầu Vĩnh Ninh thuộc xã Phước Cát 2 huyện Cát Tiên hoàn thành nối liền với xã Đăng Hà đến Quốc lộ 14 thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, đã phá vỡ thế ngõ cụt của huyện. Đây là tuyến giao thông quan trọng giữa Cát Tiên và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Về kinh tế, sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay cơ cấu kinh tế của huyện là nông lâm – tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ, trong đó chủ yếu là nông nghiệp. Do đó, nhiều công trình thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm gần đây, sản xuất lúa của huyện đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa; những giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ trên thị trường được đưa vào sản xuất đại trà, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh lúa theo hướng sản xuất hàng hoá. Năm 2011, Bộ Khoa học - Công nghệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa - gạo Cát Tiên” và sau đó đã công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Diệp hạ châu Cát Tiên”. Về cây công nghiệp phần lớn là cây Điều, trồng trên vùng đồi và cây Dâu trồng ở vùng ven sông. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được xác định, nhưng qua thực tiễn còn phải tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để phát triển.

Về dân số và thành phần dân tộc, suốt một thời gian dài trong lịch sử, Cát Tiên là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mạ và Xtiêng. Sau khi đất nước thống nhất, cùng với quá trình di dân vào Cát Tiên xây dựng kinh tế mới đã được hình thành vùng kinh tế mới của Tỉnh vào năm 1882 và sau ngày thành lập huyện, nhân dân từ nhiều địa phương, đi theo kế hoạch di dân của Nhà nước và một bộ phận dân đi kinh tế mới tự do, nhưng hầu hết đều là dân nghèo của trên 30 tỉnh thành trong cả nước. Hiện Cát Tiên có 18 dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đã về đây quần cư, khai hoang phục hóa, sinh cơ lập nghiệp. Đến cuối năm 2015, dân số toàn huyện có 42.269 người, với 9.815 hộ trong đó có 17 dân tộc thiểu số với hơn 8.820 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 80% dân số của huyện, các dân tộc khác chủ yếu di cư từ nơi khác đến và hầu hết là các dân tộc từ các tỉnh Miền núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Mường… di cư vào. Hiện nay, khoảng 90% dân số toàn huyện hoạt động sản xuất nông nghiệp, mật độ dân số toàn huyện là 99,09 người/km2.

Về đời sống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và tôn giáo: Do đặc điểm hình thành nguồn gốc dân cư như trên nên Cát Tiên đang có 1 nền văn hóa khá đa dạng, mang tính đan xen của nhiều vùng miền. Ở các buôn, làng người Mạ, Xtiêng có nhiều nét văn hóa đặc sắc cần bảo tồn lưu giữ. Ngày nay lễ hội văn hóa các dân tộc hàng năm được phục dựng tổ chức như lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Mạ diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm và lễ hội “Lồng Tồng” của đồng bào dân tộc Tày diễn ra từ  ngày mùng 7 đến 10 tháng giêng.

Một bộ phận dân cư trong huyện theo 4 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao Đài. Hiện tại trên địa bàn huyện có 8 cơ sở sinh hoạt tôn giáo, gồm 4 ngôi chùa Phật giáo, 2 nhà thờ Công giáo, 1 cơ sở đạo Cao Đài, 1 Chi hội Pi sar và một điểm nhóm đạo Tin Lành.

Người Cát Tiên có ý thức lao động cần cù, tính chịu thương chịu khó, luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hiếu học, sáng tạo và bước đầu đã hình thành truyền thống hiếu học của nhân dân trong huyện

Tin tức khác