Ứng dụng công nghệ cao tạo bước đột phá trong nông nghiệp
ỨNG DỤNG NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CỦA CÁT TIÊN
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/5/2011 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch số 26-KH/HU ngày 03/11/2011 của Huyện ủy Cát Tiên về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/5/2011 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015.
UBND huyện Cát Tiên đã cụ thể hóa bằng Chương trình số 126/CTr-UBND ngày 09/8/2012; theo đó UBND huyện đã xác định các mục tiêu chủ yếu đó là: Phấn đấu đến năm 2015 có trên 12% diện tích đất canh tác nông nghiệp được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện; có từ 01 đến 02 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện; trong đó xác định các vùng trọng điểm, khâu đột phá và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất (như giống, qui trình sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản sản phẩm…). Triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tập trung chỉ đạo và nhân rộng, đồng thời khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp, nông dân tham gia ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất làm đầu tàu phát triển trên diện rộng nhằm góp phần thực hiện hoàn thành những mục tiêu mà Kế hoạch số 26-KH/HU ngày 03/11/2011 của Huyện ủy Cát Tiên đã đề ra.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2015, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND các xã thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với xác định vùng sản xuất, quy trình ứng dụng công nghệ cao; xác định các khâu trọng tâm, đột phá gắn với phát huy lợi thế so sánh của địa phương để triển khai ứng dụng công nghệ cao; lồng ghép các nguồn lực thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 2986/QĐ-UBND ngày 26/12/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Tập trung nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, lao động có tay nghề cao phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể huyện và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từ đó xác định vị trí và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Kết quả sau 1 năm triển khai thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 966,6 ha chiếm 8,65% tổng diện tích canh tác nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản tạo sức cạnh tranh trên thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Trong đó: Tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa giống với diện tích 255 ha; sản phẩm lúa giống liên kết tiêu thụ trực tiếp cho các công ty giống đạt 720 tấn (tăng giá trị sản phẩm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với lúa thương phẩm); đồng thời chủ động nguồn lúa giống có phẩm cấp cao phục vụ sản xuất tại địa phương (cấp 1 hóa giống lúa). Triển khai có hiệu quả chương trình sản xuất lúa chất lượng cao và xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình VietGAP với diện tích 693,3 ha tạo nguồn sản phẩm nông sản (lúa, gạo) hàng hóa, đạt tiêu chuẩn chất lượng (an toàn) cung ứng trên thị trường và phục vụ phát triển thương hiệu “Lúa – Gạo Cát Tiên”. Bên cạnh đó tập trung triển khai liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau chuyên canh (khổ qua lấy hạt, ớt chánh phong...) ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5,5 ha; tạo tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất trong những năm tiếp theo. Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Cát Tiên cũng đã tạo được “dấu ấn” bằng việc phát triển cây dược liệu (Diệp hạ châu) theo quy trình VietGAP. Qua 2 năm trồng thử nghiệm đạt kết quả quan trọng cả về năng suất và chất lượng (các hàm lượng dược chất); năm 2012 đã tổ chức nhân rộng và phát triển sản xuất cây diệp hạ châu theo quy trình VietGAP với diện tích 12,8 ha; bước đầu đã khẳng định được vị thế về giá trị thu nhập (đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/1vụ) và sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển cây Diệp hạ châu; qua đó đã giải quyết được một số vướng mắc về quy trình kỹ thuật và hoàn thiện quy trình kỹ thuật áp dụng đồng bộ vào sản xuất. Mặt khác, huyện cũng đã liên kết với Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng) để chế biến trà túi lọc diệp hạ châu Cát Tiên mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm diệp hạ châu tạo tiền đề cho việc xúc tiến xây dựng thương hiệu “Diệp hạ châu Cát Tiên” để được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) công nhận vào năm 2014.
Sản xuất rau xanh (Khổ qua) ứng dụng Thu hoạch lúa chất lượng cao tại Cát Tiên
Công nghệ cao tại huyện Cát Tiên
Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Cát Tiên bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của địa phương; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa tạo sức cạnh tranh trên thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện; trước mắt, trong năm 2013 cần tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hoá, gắn với ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.200 ha, chiếm 11% tổng diện tích canh tác nông nghiệp; trong đó chú trọng một số khâu, lĩnh vực sản xuất, tạo bước đột phá, tăng tốc phát triển, như sản xuất lúa giống (500 ha), lúa CLC (2.500 - 2.800 ha); liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đóng bao bì và cung ứng ra thị trường 500 tấn lúa giống và 1.000 tấn gạo mang nhãn hiệu Lúa – Gạo Cát Tiên, làm tiền đề phát triển thương hiệu trong những năm tiếp theo; triển khai ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp… Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất Diệp hạ châu theo quy trình VietGAP lên 30 ha và tiến hành làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu Diệp hạ châu Cát Tiên.